Pages

Subscribe:

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Tiếng lòng - một thi phẩm đi vào lòng người

                              (Đinh Xuân Yên)

Thi phẩm “Tiếng lòng” của Phạm Văn Khảo ấn hành vào đầu năm 2014; đây là tập thơ thứ hai anh trình làng. Với không gian, tâm trạng đặc biệt và không gian hiện thực rộng lớn; từ những vùng quê trong cả nước được tác giả sáng tác trực tiếp. Từ những chuyến đi trên bao dặm dài thiên lý, cũng có khi đồng hiện, vực dậy từ những miền ký ức gần và ký ức xa nên chân thật và xúc động. Qua những trang thơ da dạng và giàu thi cảm Phạm Văn Khảo đã tự hiện hữu mình là một chủ thể hiện sinh ; luôn thao thức về những điều bình dị  mà sâu sắc của tâm hồn và nhân sinh, thế sự nhân vật trữ tình. Tác giả luôn ở ngôi vị thứ nhất để tâm sự, sẻ chia và đối thoại với cuộc sống và người thân. Có lúc anh tự thoại, tự vấn để biểu hiện niềm vui và nỗi buồn của chính mình, nhận thức về những ân nghĩa quanh đời đã giúp anh biết yêu thương, đồng cảm với từng hiện thực trải qua.
Trong bài “ Phúc” tác giả đã phơi trải lòng mình với muôn nơi, với hoa trái, với con người, với bạn bè… Thơ đã giúp anh lấy lại sự cân bằng trong tâm hồn, giữa cuộc sống căng thẳng ồn ào nơi đô thị. Chẳng hiểu anh lấy thời gian và cảm hứng từ đâu viết cả hơn trăm bài thơ, mà bài nào cũng mượt mà cảm xúc, bài nào cũng phảng phất tâm hồn rộng mở, thoáng đãng như hương lúa ngày mùa. Phải chăng bằng những câu thơ trữ tình hào hoa, yêu quê hương đất nước đã thấm vào lòng tác giả; như lời ru của bà, của mẹ thấm vào tâm hồn anh thời thơ ấu đến bây giờ phát tiết thành thơ :
Một chấm sao băng sáng đất trời
 Một gian nhà nhỏ rộng trùng khơi
 Một lời tri kỷ tâm luôn nhớ
 Một chút cho nhau sống để đời”
                                (Phúc)
          Được đi nhiều nơi, học được nhiều điều; các đề tài và cách thể hiện của anh càng mới hơn, có nhiều từ ngữ hay hơn. Điều quan trọng thơ đã là mối dây ràng buộc ấm nóng, thân thiết với người yêu thơ và làm thơ. Thơ đã làm cho cuộc sống của họ đẹp hơn, thăng hoa hơn mỗi ngày.
          Trong thơ tác giả còn miêu tả được cái đẹp của quê hương, cái hùng vĩ của đất trời, cái dũng cảm vĩ đại của những anh hùng đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc :
“…Người là đại tướng của dân
Đảng giao mọi việc bao lần xứng tên
      Kiệt tài nhân đức thánh hiền
Anh hùng dân tộc sáng nền quốc gia”…
                         (Người còn sống mãi)
          Bài thơ “ Có em ” anh thể hiện chút bâng khuâng, lãng mạn của một tâm hồn đa cảm. Tác giả mượn thiên nhiên để tự mình cảm nhận vẻ đẹp trong xanh, ngọt lành và bóng hình em trong tâm tưởng. Qua cảnh và người vợ yêu, tác giả đã miêu tả một cách vô bờ như vừa thực, vừa ảo; vừa tri kỷ, tri âm đẻ cuối cùng hiện thực về nỗi thương nhớ đầy vơi, tràn trề hạnh phúc.
“ Em là nụ biếc của đời
Có em ! anh mới rạng ngời là anh
   Là dòng suối mát trong xanh
Gom mưa, gom nắng, ngọt lành sữa thơm”…
                                         (Có em)
          Những thắng cảnh quê hương đất nước mà thi sĩ có điều kiện viếng thăm, thơ anh đã thả hồn vào những hang đá, những mái chùa; tất cả đều mong manh, hư ảo. Một khoảnh khắc được gặp lại, được in vào ký ức bao giờ cũng cháy bỏng mãnh liệt trong tâm hồn thi sĩ.
“Dào dạt thuyền em hát vọng xa
Thướt tha bóng liễu dáng hiền hòa
Nam Giao cầu phúc trời sinh lộc
Thôn Vĩ ươm mầm đất trổ hoa”…
                             (Thăm Huế)
          Thi sĩ đã chắc tay, linh hoạt trong cách gieo vần được cả tình và ý; tính nhạc phụ thuộc vào cách ngắt nhịp, phối thanh vần điệu, làm cho dòng thơ vừa du dương, nhẹ nhàng, lắng đọng phù hợp với hành trình tìm về ngôn ngữ của thơ.
          Thi sĩ là người đa cảm. Không chỉ nhớ người con gái Huế mà còn nhớ bến đợi Tràng An, cõi tiên Yên Tử…
“…Thuyền hoa khách vãng hòa sông núi
      Bến đợi nhớ ai ngóng tháng ngày “
                                   (Tràng An)

“…Vượt dốc dòng người hiền vãng cõi tiên
    Tâm hồn thoáng đãng tới am thiền”…
                                  (Về Yên Tử)
          Dường như nơi nào nhà thơ dừng chân là nơi đó có bóng hình của em. Hình tượng “em” đâu phải chỉ là bóng dáng thực của một giai nhân mà còn là nàng thơ của thi sĩ. “Em” trở thành nỗi niềm để nhà thơ bày tỏ “tiếng lòng” của mình trước những vẻ đẹp của đất nước, của từng vùng miền. Huế, Tràng An, Hạ Long… nên thơ, rêu phong hơn với những hình ảnh hết sức bình dị; thi sĩ đã thả hồn vào những dãy núi, những mái chùa cong buông hồi chuông tín mộ, thật ưu tư và rạo rực lòng người.
          Viết về quê hương, thi sĩ lấy chủ đề người mẹ làm chủ đạo. Ai cũng có mẹ; nơi mẹ đẻ là nơi sâu thẳm; những tháng ngày thơ ấu nhọc nhằn, những kỷ niệm buồn vui mà cả cuộc đời thi hữu không bao giờ phai mờ; là nơi xuất phát điểm của nỗi nhớ. Mẹ chính là những gian khó, nhọc nhằn, long đong và xa xót; Mẹ tảo tần, thủy chung hy sinh cùng năm tháng nuôi đàn con học hành, khôn lớn; Đôi bàn tay mẹ chai sạn vì con, vì chông, vì đất nước không gì bù đắp nổi.
“Nồng nàn tiếng gió trong veo
Ngọt lời ru mẹ, trăng theo bên thềm
 Cho con no giấc ngủ êm
ầu ơ ! sâu lắng trong đêm vắn dài”…
                       (Lời ru của mẹ)
“Lời ru chạm tới vì sao
Cái cò, cái vạc đi vào trong tâm”
                        (Điều mẹ mong)
“…Cúi đầu khấn mẹ sớm mai
Miền chín đỏ không phai tấc lòng”,,,
                          (Mùa báo hiếu)
          Mừng anh, thi phẩm ‘Tiếng lòng” của anh đã khơi dậy hồn thơ trong tôi. Xin được viết mấy dòng thơ tặng anh :
- Thơ hay như lửa, nó mang sứ mệnh cháy trong lòng
- Thơ hay như nước, nó có phận sự chảy từ ít đến nhiều
- Thơ hay như hạt, nó có trách nhiệm ấp ủ và nảy nở
- Thơ hay như mắt, nó biết mở ra những tâm hồn
- Thơ hay như mùa, nó biết tôn trọng những luân khúc để còn lưu giữ bản sắc của quá khứ
- Thơ hay, như người tình thấu hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc, cho nhau cả dịu êm và rên xiết, mưa bụi và cuồng phong
- Thơ hay như thơ biết chiếm lĩnh phần hồn của thiên hạ, bằng sự cao cả của tâm hồn và minh triết của trí tuệ
- Thơ hay, không gì khác, là sự gặp gỡ thiên định của thăng hoa cảm xúc với  lóe sáng  trí tuệ
          Ước mơ và ý định của thi sĩ thường không phải lúc nào cũng đồng hành cùng sự nỗ lực của chính mình. Vì vậy, những gì mà anh gửi gắm qua thi phẩm “Tiếng lòng” là đáng quý, đáng trân trọng. Người đọc có quyền đòi hỏi và hy vọng sự vượt trội của anh ở các tập thơ tiếp theo. 








0 nhận xét:

Đăng nhận xét